.:Trường Đại học Tiền Giang:. 

Chia sẻ

Tìm hiểu Ngành Đại học Công nghệ Sinh học của Trường ĐH Tiền Giang

02-03-2021

Ngành Công nghệ sinh học đào tạo người học có kiến thức khoa học cơ bản và  kiến thức chuyên sâu về sinh học và công nghệ sinh học; kỹ năng thực hành nghề nghiệp tốt; khả năng ứng dụng công nghệ sinh học vào thực tế nghiên cứu và sản xuất; khả năng thích ứng cao với môi trường kinh tế - xã hội; thái độ và đạo đức nghề nghiệp đúng đắn; khả năng làm việc độc lập và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo.

TS. Đoàn Thị Ngọc Thanh - Phó Trưởng khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm đang hướng dẫn sinh viên thực hành

Sinh viên tốt nghiệp từ chương trình Đại học Công nghệ Sinh của Trường Đại học Tiền Giang sẽ đạt được:

1. Kiến thức

- Biết được vai trò và ứng dụng của công nghệ sinh học trong nền kinh tế - xã hội hiện nay;

- Biết áp dụng các kiến thức toán học, tin học để thống kê, xử lý số liệu trong quá trình thu thập thông tin hay nghiên cứu;

- Giải thích được các hiện tượng liên quan đến sinh lý, sinh hóa, bệnh học của vi sinh, thực vật, động vật trong cuộc sống;

- Áp dụng các kiến thức, kỹ thuật cơ bản, chuyên sâu của ngành như kỹ thuật di truyền, kỹ thuật thao tác trên gen, protein, nuôi cấy mô và tế bào thực vật, kỹ thuật lên men vi sinh vào các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, thủy sản và môi trường để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, sản xuất theo hướng công nghệ cao và bền vững của xã hội.

2. Kỹ năng, cơ hội nghề nghiệp

- Kỹ năng cứng 

+ Sử dụng thành thạo các thiết bị liên quan đến lĩnh vực công nghệ sinh học;

+ Có khả năng kiểm tra, phân tích, đánh giá các vấn đề về ô nhiễm môi trường; quản lý chất lượng thực phẩm; chọn giống trong nông nghiệp; nhận thức được các vấn đề sinh học hiện đại;

+ Có khả năng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học, đề xuất các biện pháp giải quyết tình huống về mặt kỹ thuật, công nghệ cho công ty;

+ Khai thác hiệu quả các phần mềm ứng dụng và các dữ liệu trên mạng (sinh tin học) để nghiên cứu và giải quyết những vấn đề như chọn giống, bệnh học, định danh sinh vật, …;

+ Vận hành tốt các thiết bị trong phòng thí nghiệm vi sinh, sinh hóa, nuôi cấy mô thực vật, sinh học phân tử, nuôi trồng nấm, các thiết bị trong dây chuyền sản xuất của ngành công nghệ sinh học; có khả năng phân tích nguyên nhân gây nên các hư hỏng của thiết bị, đánh giá tình trạng thiết bị và đề xuất sửa chữa.

- Kỹ năng mềm

+ Có khả năng thuyết trình, giao tiếp tốt, ứng xử nhanh nhạy;

+ Biết làm việc theo nhóm, tập hợp nhóm;

+ Thể hiện sáng tạo trong giải quyết công việc.

* Vị trí việc làm của người học sau khi tốt nghiệp

+ Nghiên cứu viên trong các viện, trung tâm nghiên cứu thuộc lĩnh vực sinh học hoặc công nghệ sinh học;

+ Nhân viên làm việc trong một khâu của dây chuyền sản xuất ở công ty, nhà máy chế biến thực phẩm; công ty giống cây trồng, vật nuôi; công ty nuôi trồng thủy sản; công ty thuốc thú y, thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, nhà máy chế biến phân hữu cơ;

+ Kỹ thuật viên phòng xét nghiệm y khoa, phòng thí nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm, các cơ quan kiểm định;

+ Tham gia giảng dạy ở các cơ quan nghiên cứu, cơ sở giáo dục trong lĩnh vực công nghệ sinh học;

+ Chuyên viên Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường.

* Về khả năng học tập, nâng cao trình độ của người học sau khi tốt nghiệp

 Có kiến thức vững, năng lực tự học, tự nghiên cứu và khả năng học lên chương trình đào tạo sau đại học trong hay ngoài nước.

3. Phẩm chất đạo đức chính trị, thái độ nghề nghiệp

- Có lập trường và quan điểm chính trị vững vàng, nhận thức và thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước;

- Có phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp tốt; có ý thức phục vụ cộng đồng;

- Có tinh thần trách nhiệm trong công việc; tuân thủ những quy định của pháp luật đối với sản phẩm mình tạo ra.

VĨNH SƠN