.:Trường Đại học Tiền Giang:. 

Chia sẻ

Phòng chống mại dâm giai đoạn 2016-2020

13-04-2018

Mại dâm là một vấn đề xã hội khó giải quyết không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết mọi quốc gia trên thế giới. Tệ nạn mại dâm, các tội phạm liên quan đến mại dâm như chứa mại dâm, môi giới mại dâm, mua dâm người chưa thành niên, đặc biệt là hành vi mua bán người vì mục đích mại dâm gây ra nhiều vấn đề phức tạp cho xã hội, sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc dư luận.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, mại dâm là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên, xét về mặt xã hội, người bán dâm là nhóm người dễ bị tổn thương (bị ngược đãi, bạo lực, bị chà đạp nhân phẩm, bị bóc lột, lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bị phân biệt đối xử, không tiếp cận được các dịch vụ y tế, xã hội).

Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, bất cập. Tệ nạn mại dâm vẫn còn diễn biến phức tạp; thiếu các chính sách và các chương trình can thiệp tích cực, phù hợp, đặc biệt là vấn đề giảm hại, phòng, chống bạo lực và hỗ trợ thay đổi công việc đối với người bán dâm. Mặt khác, công tác phòng, chống mại dâm là hoạt động đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành, có sự phân công rõ chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó phân định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và trách nhiệm của chính quyền các cấp. Cần có cơ chế Điều phối, thúc đẩy sự hợp tác giữa các đối tác trong và ngoài nước; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội và người dân trong phòng, chống mại dâm.

Do vậy, cần thiết phải có các biện pháp, giải pháp nhằm ngăn chặn sự gia tăng tiến tới giảm thiểu tệ nạn mại dâm; giảm tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống cộng đồng và đối với chính người hoạt động mại dâm; hỗ trợ người hoạt động mại dâm hòa nhập cộng đồng cần phải có các giải pháp đảm bảo các quyền cơ bản, tạo điều kiện cho họ tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng để họ được tiếp cận các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản khác, đặc biệt tạo cơ hội để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống hòa nhập xã hội.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 07/3/2016 về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, Tỉnh Đoàn Tiền Giang cũng đã có Kế hoạch số 46 KH/TĐTN-BTG ngày 3/4/2018 về tuyên truyền phòng chống mại dâm trong đoàn viên, thanh niên năm 2018. Kế hoạch đề ra mục tiêu là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp cán bộ đoàn và đoàn viên, thanh niên về công tác phòng chống mại dâm.

Nội dung tuyên truyền về phòng, chống mại dâm tập trung vào pháp luật về phòng, chống mại dâm như: Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, Nghị định 178/2004/NĐ-CP của Chính phủ; Luật phòng chống mua bán người và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS…

Các cơ sở đoàn trực thuộc xây dựng kế hoạch tuyên truyền phòng, chống mại dâm tại đơn vị  bằng các nội dung, hình thức phù hợp tình hình của đơn vị; Chủ động phối hợp với các đơn vị hữu quan xây dựng chương trình truyền thông phòng, chống mại dâm. Làm tốt công tác phòng, chống mại dâm là nhằm hướng tới xây dựng một xã hội lành mạnh, đem lại sự bình đẳng và hạnh phúc cho mọi người, trong đó hơn hết là phụ nữ.

VĨNH SƠN