10-06-2021
Trải qua 16 năm xây dựng và phát triển (2005-2021) trên cơ sở kế thừa và phát huy các thế mạnh, truyền thống của các trường tiền thân, Trường Đại học Tiền Giang đã vươn lên khẳng định vị thế, tạo uy tín trong hệ thống giáo dục đại học của cả nước, là địa chỉ tin cậy, tiềm năng về đào tạo và nghiên cứu đối với đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Trường Đại học Tiền Giang được thành lập theo quyết định số 132/2005/QĐ-TTg ngày 06/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở hợp nhất Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang và Trường Cao đẳng cộng đồng Tiền Giang. Trường có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Từ năm 2005 đến nay, Trường đã và đang đào tạo hơn 106 chương trình đào tạo theo các khối ngành kinh tế, luật, văn hóa - xã hội, công nghệ, kỹ thuật và sư phạm. Trường đã đạt kiểm định chất lượng giáo dục năm 2017.
Quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Trường Đại học Tiền Giang đã xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể để thực hiện. Chính vì vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực của nhà trường đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Sứ mệnh về nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như xu thế hội nhập quốc tế hiện nay đã được nhà trường thực hiện rất tốt.
Trải qua 16 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã từng bước vượt qua những khoa khăn thách thức và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhớ. Hiện nay, trường đang đào tạo 21 ngành đại học và 1 ngành cao đẳng Sư phạm Mầm non; với quy mô gần 8.000 sinh viên. Tính đến tháng 6/2021, toàn trường hiện có 404 cán bộ, viên chức, trong đó có 01 Phó Giáo sư; 30 Tiến sĩ và 270 Thạc sỹ. 100% giảng viên của Nhà trường đạt trình độ chuẩn theo quy định, được bố trí giảng dạy đúng chuyên môn đào tạo. Mỗi chuyên ngành đào tạo đều có đủ giảng viên có trình độ tiến sĩ chuyên ngành và trình độ thạc sỹ theo quy định.
Trong những năm vừa qua, với chủ trương lấy sinh viên làm trung tâm, Trường Đại học Tiền Giang luôn quan tâm, chú trọng đến môi trường giáo dục. Tại đây, sinh viên không chỉ có điều kiện học tập tốt nhất, mà còn được phát huy năng lực bản thân, phát huy trí sáng tạo. Cơ bản sinh viên được sống, học tập trong môi trường giáo dục chuyên nghiệp, thân thiện, tư duy được “cởi trói” để sẵn sàng tỏa sáng. Chính vì thế, hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường đã trở thành những cán bộ, viên chức có năng lực và uy tín cao, một số trở thành cán bộ chủ chốt của địa phương và các đơn vị trong và ngoài tỉnh.
Nhằm tạo chuyển biến trong công tác đào tạo, Nhà trường đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất hiện đại. Hiện nay, trường có 02 cơ sở đào tạo tại thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành, với tổng diện tích đất cơ sở đào tạo gần 40 ha. Toàn trường có 118 phòng học, 10 giảng đường, 10 phòng máy tính có nối mạng ADSL (699 máy), 4 phòng học ngoại ngữ, 16 phòng thí nghiệm, 12 xưởng thực hành. Đầu năm 2020, Nhà trường đã đầu tư xây dựng Thư viện mới (1136 m2) được trang bị phần mềm quản lý Libol 6.0. Hiện tại, Thư viện mới có 20.207 đầu sách các loại. Đồng thời, trường vừa trang bị thư viện số với hơn 1,4 triệu tài liệu đã đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của viên chức và sinh viên.
Nổi bật, hệ thống phòng thí nghiệm, khu sản xuất thử nghiệm tiếp tục được nhà trường quan tâm đầu tư và được tài trợ từ các công ty, doanh nghiệp với số vốn vài tỉ đồng phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập của giảng viên và người học. Trường tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, trong đó hoàn thiện hệ thống phần mềm và trang thiết bị công nghệ hỗ trợ giảng dạy trực tuyến, hoàn thiện hệ thống học liệu điện tử cho hình thức giảng dạy trực tuyến để giảm bớt thời lượng lên lớp, tăng cường tính chủ động cũng như các kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của người học. Đẩy mạnh công tác kiểm định chương trình đào tạo theo các bộ tiêu chuẩn quốc gia.
Từ nền tảng cơ sở vật chất, Trường Đại học Tiền Giang đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ. Với chiến lược phát triển khoa học và công nghệ gắn kết với thực tiễn sản xuất, trường luôn thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thực tiễn đặt ra. Các lĩnh vực nghiên cứu thuộc thế mạnh của trường bao gồm: lĩnh vực như nông nghiệp và phát triển nông thôn; khoa học kỹ thuật và công nghệ; khoa học xã hội và nhân văn, thể thao và du lịch; khoa học giáo dục; kinh tế để thực hiện nhiệm vụ này. Nhiều năm qua, Trường đã nghiên cứu hàng trăm đề tài cấp cơ sở, cấp tình, cấp Bộ. Các kết quả nghiên cứu đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị phát triển khoa học và ứng dụng trong thực tế cao. Trường thực sự trở thành một địa chỉ đáng tin cậy được các địa phương, các tổ chức và doanh nghiệp lựa chọn để ký kết các hợp đồng nghiên cứu khoa học.
Song song với công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Điện lực còn thường xuyên hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập Đoàn BIM Group, Công ty TNHH Royal Foods Việt Nam, CLB Doanh nhân Tiền Giang tại TP.HCM, VNPT Tiền Giang, Công ty TNHH Esuhai, Công ty TNHH BeoWulf Việt Nam, Công ty TNHH Universal, Công Ty TNHH Giày Apache Việt Nam, Khu công nghiệp Mỹ Tho, Khu công nghiệp Long Giang… Đây là một trong những hoạt động quan trọng góp phần tạo ra nhiều cơ hội học tập và việc làm cho sinh viên, đồng thời mang lại lợi ích thiết thực cho các bên tham gia. Thực tế cho thấy, nhờ các chương trình hợp tác với doanh nghiệp, Nhà trường đã giải quyết hiệu quả bài toán đầu ra cho sinh viên.
Theo thống kê, trong những năm vừa qua, tỷ lệ sinh viên Đại học Tiền Giang ra trường có việc làm luôn ở mức cao, trung bình trên 90%. Ngoài hợp tác với doanh nghiệp, Nhà trường còn đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế. Trường đã phát triển hợp tác với nhiều viện, trường đại học và tổ chức ở nước ngoài như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Pháp, Úc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Trung Quốc, Brunei, Hà Lan, Đức, Lào, Tây Ban Nha, New Zealand, Ý, Anh, Ấn Độ, Vương quốc Anh… với các hoạt động hợp tác chủ đạo như: trao đổi và phát triển học thuật; trao đổi giảng viên và sinh viên; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tổ chức các hội nghị và hội thảo khoa học quốc tế. Hoạt động này nằm trong chiến lược phát triển lâu dài, bền vững nhằm nâng tầm thương hiệu của nhà trường ra khu vực và quốc tế.
Với chiến lược phù hợp và có sự đầu tư tương xứng, Trường Đại học Tiền Giang đã không ngừng cải tiến, đổi mới trên nhiều phương diện, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng được niềm tin của người học cũng như nhu cầu của xã hội. Trong thời gian qua, chất lượng tuyển sinh và đào tạo của trường đã được khẳng định và công nhận. Nhà trường đã tập trung thiết kế, thay đổi chương trình đào tạo bám sát thực tế, nhu cầu của địa phương. Mỗi năm, nhà trường cung ứng ra thị trường lao động hơn 1.000 lao động có tay nghề chuyên môn và trình độ cao. Nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các cơ chế, chính sách thích hợp nhằm thúc đẩy quá trình nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt là các chính sách nhằm tăng cường sự hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, doanh nhân, chuyên gia có uy tín tham gia sâu rộng vào quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng như vấn đề thực tập nghề nghiệp và việc làm của sinh viên.
Theo chiến lược phát triển Trường Đại học Tiền Giang từ 2020-2025, lãnh đạo nhà trường sẽ tập trung phát triển mạnh đội ngũ giảng viên, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, áp dụng các chương trình đào tạo tiên tiến; tạo bước chuyển biến cơ bản trong việc đổi mới phương pháp đào tạo của trường, mở rộng quy mô đào tạo để đáp ứng yêu cầu của xã hội. Hiện nay, trường đã luôn phát huy nội lực, không ngừng cải tiến, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu xã hội. Đó là những giá trị thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện vai trò và trách nhiệm của những cơ sở “trồng người” trong thời đại mới.
VĨNH SƠN