.:Trường Đại học Tiền Giang:. 

Chia sẻ

PGS. TS Võ Ngọc Hà: Trường Đại học Tiền Giang sẽ tự chủ giảng dạy môn GDQP & AN từ học kỳ hè năm học 2021-2022

17-05-2022

Từ học kỳ hè, năm học 2021 - 2022, Trường ĐH Tiền Giang sẽ tự chủ trong việc giảng dạy môn học GDQP & AN tại Trường. Nhằm giúp sinh viên nhà trường nắm bắt được đầy đủ thông tin về việc triển khai thực hiện giảng dạy và học tập môn GDQP&AN theo đề án tự chủ đã được duyệt.

Nhằm giúp sinh viên nhà trường nắm bắt được đầy đủ thông tin về việc triển khai thực hiện giảng dạy và học tập môn GDQP&AN theo đề án tự chủ đã được duyệt, BBT Website đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng nhà trường về việc tự chủ giảng dạy môn GDQP & AN của Trường trong thời gian tới.

Thưa thầy, được biết, bắt đầu từ năm học 2021 – 2022, Trường Đại học Tiền Giang sẽ tự chủ trong việc giảng dạy môn Giáo dục quốc phòng và an ninh. Vậy, nhà trường đã có những bước chuẩn bị như thế nào để thực hiện tự chủ giảng dạy môn học này?

PGS. TS. Võ Ngọc Hà:

Theo định hướng chiến lược đến năm 2025, Trường Đại học Tiền Giang sẽ là cơ sở đào tạo tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động về tổ chức, bộ máy, nhân sự, tài chính, học thuật theo lộ trình phân quyền quản lý giáo dục ĐH của Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh Tiền Giang. Trong đó, bước đầu tiên là Trường tự chủ trong giảng dạy môn Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Để thực hiện tự chủ đào tạo môn GDQP & AN tại Trường Đại học Tiền Giang, nhà Trường đã giao cho Bộ môn Giáo dục quốc phòng xây dựng đề án, làm tờ trình xin ý kiến của Bộ GD&ĐT và chuẩn bị về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất nhằm đáp ứng các điều kiện về tự chủ trong giảng dạy môn học GDQP & AN cho sinh viên nhà trường.

Nhân sự giảng dạ môn GDQP & AN cùng chụp hình lưu niệm với Đoàn kiểm tra về công tác tự chủ giảng dạy GDQP&AN của Bộ GD & ĐT.

Việc xây dựng đề án thực hiện tự chủ giảng dạy môn học GDQP & AN của Trường Đại học Tiền Giang căn cứ theo Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH ngày 05/11/2015 của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Quy định tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; liên kết GDQP & AN của các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học.

Qua xin phép và được sự đồng ý của Bộ GD&ĐT, Trường Đại học Tiền Giang đã nhanh chóng xây dựng đề án trên cơ sở chương trình giảng dạy môn học GDQP&AN (Ban hành theo Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT ngày 18/3/2020 về việc Ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học).

Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT kiểm tra điều kiện tự chủ công tác giảng dạy GDQP & AN tại Trường ĐH Tiền Giang.

Nhà trường cũng tiếp tục bổ sung thêm những yêu cầu, điều kiện về nơi ăn ở, sinh hoạt tập trung, khu vực huấn luyện, cơ sở vật chất…  nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn học GDQP & AN trong nhà trường theo hướng học tập, ăn, ở sinh hoạt tập trung theo nếp sống chính quy quân đội và môi trường quân sự bắt đầu từ năm học 2021 – 2022.

Theo đánh giá của thầy, môn học GDQP & AN có vai trò và tầm quan trọng như thế nào trong chương trình giáo dục đối với sinh viên đại học, cao đẳng?

PGS. TS. Võ Ngọc Hà:

Như chúng ta đã biết, trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, chúng ta cần xây dựng một thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, trong đó sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng nói chung là một lực lượng hùng hậu, có sức khỏe, có trình độ học vấn, có tiềm năng sáng tạo, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học kỹ thuật hiện đại, chủ nhân tương lai của đất nước. Để thực hiện được điều đó cần tập trung vào công tác đào tạo chuyên môn gắn liền với giáo dục chính trị, tư tưởng và giáo dục quốc phòng cho sinh viên.

Môn học GDQP & AN sẽ giúp cho sinh viên được giáo dục toàn diện, có nhận thức và hành động đúng đắn, tránh được các tệ nạn xã hội, định hướng được trách nhiệm, khơi dậy và nêu cao tinh thần yêu nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố vững chắc niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước.

Học phần GDQP & AN còn là nhân tố quan trọng để đánh giá phẩm chất đạo đức của sinh viên. Như vậy, việc giảng dạy môn học GDQP & AN là một nhiệm vụ quan trọng và rất có ý nghĩa, giúp cho khối đại đoàn kết toàn dân và sức mạnh dân tộc không ngừng được củng cố và lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Môn học GDQP & AN giúp sinh viên hiểu hơn về truyền thống xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của QĐND Việt Nam anh hùng, truyền thống đấu tranh cách mạng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam; được bồi dưỡng chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống; được trang bị những kiến thức cơ bản về Quốc phòng và An ninh; được tìm hiểu các loại súng vũ khí chiến đấu và chiến thuật quân sự cơ bản trên thao trường. Và hơn hết là những bài học giá trị và thiêng liêng về tình yêu quê hương đất nước, yêu tổ quốc …

Các giờ thực hành trên thao trường giúp cho sinh viên nắm được những kỹ năng cơ bản về Điều lệnh đội ngũ, chiến thuật, một số loại vũ khí, khí tài; đặc biệt là sinh viên được quản lý tập trung trong quá trình học tập.

Việc nhà trường tự chủ trong giảng dạy môn học GDQP & AN trong giai đoạn này có những thuận lợi và khó khăn như thế nào, thưa thầy?

PGS. TS. Võ Ngọc Hà:

Trường Đại học Tiền Giang hiện có 2 cơ sở với hơn 30 hecta: Cơ sở chính tọa lạc tại số 119 Ấp Bắc, Phường 5, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang với diện tích 20.015,5 m2. Cở sở Thân Cữu Nghĩa tọa lạc tại ấp Ngãi Lợi, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang với diện tích 280.300 m2.

Trải qua gần 17 năm thành lập và phát triển, Trường Đại học Tiền Giang luôn được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, sự hỗ trợ tích cực của các Sở, ban, ngành tỉnh trong việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển Trường; đầu tư cơ sở vật chất, tài chính và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao giúp Trường hoàn thành tốt nhiệm vụ và sứ mạng của Nhà trường. Trường đã khẳng định được vị thế và hướng đi của mình. Các hoạt động của trường được tiến hành theo đúng kế hoạch chiến lược đã đề ra. Trường đạt được nhiều thành tựu nổi bật về đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang và của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Đặc biệt từ năm 2017, nhà trường đã được đánh giá và cấp Giấy Chứng nhận đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

Về cơ bản, Trường Đại học Tiền Giang có nhiều yếu tố thuận lợi để thực hiện tự chủ giảng dạy môn GDQP & AN cho sinh viên. Đặc biệt, Trường có điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy với hệ thống thao trường, bãi tập rộng rãi; phòng học chuyên dùng, nhà ăn, phòng nghỉ cho sinh viên được trang bị khá đầy đủ, tiện nghi… tại cơ sở Thân Cửu Nghĩa của Trường.

Nhà trường sẽ tổ chức cho sinh viên học tập môn GDQP & AN như thế nào, thưa thầy?

PGS. TS. Võ Ngọc Hà:

Mỗi năm, Trường Đại học Tiền Giang tuyển sinh khoảng từ 1.400 – 1.600 chỉ tiêu, do vậy, Trường xây dựng kế hoạch sẽ tổ chức giảng dạy môn GDQP & AN trong 04 đợt, mỗi đợt khoảng 360 - 400 sinh viên và được biên chế thành 3 đại đội, mỗi đại đội gồm 3 trung đội.

Sinh viên học tập môn GDQP & AN sẽ được bố trí ăn, ở, sinh hoạt tập trung theo nếp sống chính quy quân đội, mỗi đợt là 01 tháng.

Nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho tổ chức giảng dạy Giáo dục quốc phòng và an ninh, cụ thể:

- Trường đã bố trí 04 giảng đường 200 chỗ ngồi, khu vực rộng 252 mlàm phòng học chuyên dụng và phòng học lý thuyết, đảm bảo phục vụ tốt cho việc tổ chức đào tạo môn học Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Cụ thể: 01 Phòng học chuyên dụng có diện tích 126 m2, với 80 chỗ ngồi, được trang bị đầy đủ thiết bị, máy tính, máy chiếu, tranh ảnh, mô hình học cụ, vũ khí cắt bổ; 01 phòng học lý thuyết có diện tích 126 m2, với 80 chỗ ngồi.

Thao trường tại cơ sở Thân Cửu Nghĩa phục vụ công tác giảng dạy GDQP & AN.

- Trường bố trí khu đất rộng 8000m2 làm thao trường huấn luyện chiến thuật tổng hợp, bao gồm:

+ Khu vực huấn luyện bắn súng, ném lựu đạn có diện tích 3000m2 với đầy đủ bảng bia, bệ bắn.

+ Khu vực huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật có diện tích 3000m2 được bố trí mô hình các lô cốt, ụ súng, giao thông hào.

+ Khu vực huấn luyện điều lệnh có diện tích 1000m2, mặt đường trải bê tông có kẻ các vạch ngang khoảng cách 75cm.

+ Khu vực sân chào cờ, tập thể dục được bố trí kết hợp trong khu vực khuôn viên của nhà trường có diện tích khoảng 1000m2.

Để đảm bảo cho sinh viên có chỗ ăn, ở tập trung trong thời gian tham gia học tập môn GDQP & AN, nhà trường đã đầu tư, trang bị đầy đủ chỗ ăn, nghỉ cho sinh viên, cụ thể như sau:

Phòng học lý thuyết cũng đã được trang bị đầy đủ hình ảnh và dụng cụ phục vụ học tập.

- Bố trí khu vực rộng 400mở tầng 1 khu nhà 5 tầng để làm 03 nhà ăn cho sinh viên với 468 chỗ ngồi, phục vụ cho sinh viên ăn tập trung theo suất ăn công nghiệp khi tham gia học tập môn học Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Cụ thể: Nhà ăn A.102 có 12 bàn ăn với 144 chỗ ngồi; Nhà ăn A.103 có 09 bàn ăn với 108 chỗ ngồi; Nhà ăn A.104 có 18 bàn ăn với 216 chỗ ngồi.

- Bố trí khu vực rộng 1500 m2  ở tầng 3, 4, 5 khu nhà 5 tầng để làm phòng ở tập trung cho sinh viên, với 10 phòng ở, 400 chỗ ở có đầy đủ nội vụ, bao gồm: tầng 03 có 03 phòng ở với 138 chỗ; tầng 04 có 03 phòng ở với 136 chỗ; tầng 05 có 04 phòng ở với 126 chỗ.

- Bố trí 90 phòng tắm và vệ sinh tại khu nhà 5 tầng; 80 phòng tắm và 80 phòng vệ sinh riêng lẻ phục vụ sinh viên trong thời gian học tập trung môn học Giáo dục Quốc phòng và An ninh.

- Đội ngũ giảng viên GDQP & AN đều là những giảng viên có nhiều kinh nghiệm, có thâm niên giảng dạy môn học GDQP & AN từ 10 đến 15 năm, luôn gương mẫu thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ trong công tác theo luật định. Hàng năm, đội ngũ giảng viên GDQP & AN đều được cử tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy môn học GDQP & AN do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về các điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự, từ năm học 2021 - 2022 này, Trường Đại học Tiền Giang sẽ thực hiện tự chủ giảng dạy môn GDQP & AN hiệu quả và đảm bảo chất lượng theo chương trình của Bộ GD&ĐT.

Như vậy thì sinh viên phải chuẩn bị những gì để tham gia học tập đạt kết quả tốt nhất thưa thầy?

PGS. TS. Võ Ngọc Hà:

Để học tập đạt kết quả tốt, sinh viên cần có sự chuẩn bị cả về tâm lý và sẵn sàng để sống và sinh hoạt tập trung trong thời gian khoảng 3 tuần tại cơ sở Thân Cửu Nghĩa của Trường. Về dụng cụ, sinh viên có thể chuẩn bị những vật dụng cơ bản phục vụ việc học tập như tập, viết, bìa sơ mi đựng tài liệu; mang theo giấy tờ cá nhân, thẻ sinh viên và một số nhu yếu phẩm phục vụ cho cá nhân trong thời gian 3 tuần.

Khi học tập trung, sinh viên sẽ được mặc quân phục (chỉ mặc thường phục trong thời gian nghỉ. Do đó, sinh viên có thể trang bị thêm đồng phục thể dục, giày vải mềm, mùng đơn, gối, mền. Hạn chế đeo nữ trang và mang theo tài sản có giá trị.

Ngoài học phí nhà trường thu theo qui định, sinh viên khi học GDQP&AN sẽ phải đóng thêm một số phụ phí như: tiền ăn ngày 3 bữa, tiền bảo quản quân trang và tài sản phục vụ sinh hoạt. Đó là một số lưu ý để sinh viên biết và thực hiện tốt trong quá trình học GDQP & AN.

Xin cám ơn những chia sẻ của thầy và chúc cho đợt huấn luyện đầu tiên của Trường đạt hiệu quả và chất lượng cao nhất.

LÊ TÂN thực hiện.