07-06-2024
Nghiên cứu khoa học và trải nghiệm thực tế của sinh viên ngành chăn nuôi tại trường Đại học Tiền Giang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các phương pháp, công nghệ và kỹ thuật mới để cải thiện năng suất chăn nuôi, giúp sinh viên áp dụng lý thuyết vào thực tiễn và phát triển các kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp tương lai.
Hoạt động nghiên cứu khoa học trong ngành chăn nuôi thường tập trung vào các lĩnh vực như: cải thiện giống vật nuôi, nghiên cứu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi, khám và điều trị bệnh trên thú cưng. Sinh viên tham gia vào các đề tài nghiên cứu thường được hướng dẫn bởi các giảng viên có kinh nghiệm. Tham gia hoạt động nghiên cứu giúp sinh viên nắm vững quy trình nghiên cứu khoa học, từ thiết kế thí nghiệm, thu thập dữ liệu, phân tích và đánh giá kết quả đến việc viết báo cáo khoa học. Đây là kỹ năng quan trọng, giúp sinh viên trở thành những nhà nghiên cứu và chuyên gia có năng lực trong lĩnh vực chăn nuôi.
Tại trường, sinh viên được tham gia vào các đề tài nghiên cứu về lai tạo giống, cách lựa chọn và kết hợp các đặc tính di truyền để tạo ra các giống vật nuôi có năng suất cao, khả năng chống chịu bệnh tốt và phù hợp với điều kiện môi trường địa phương. Qua đó, sinh viên nắm được các kỹ thuật sinh học phân tử, di truyền học và các phương pháp nghiên cứu tiên tiến khác.
Sinh viên tham gia lấy máu để xác định gen sinh trưởng tốt trong đề tài nghiên cứu cải tiến năng suất sinh trưởng và sinh sản trên đàn dê
Về lĩnh vực dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi: sinh viên được tham gia nghiên cứu các đề tài về dinh dưỡng động vật giúp tìm ra các công thức thức ăn tối ưu, đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho vật nuôi, từ đó cải thiện sức khỏe và tăng trưởng của vật nuôi. Sinh viên tham gia vào các nghiên cứu này sẽ được học cách phân tích thành phần dinh dưỡng của thức ăn, thử nghiệm các công thức thức ăn mới và đánh giá ảnh hưởng của chúng lên sức khỏe và sản xuất của vật nuôi. Ngoài ra, sinh viên còn được nghiên cứu về các bệnh phổ biến trong chăn nuôi và các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát bệnh hiệu quả.
Sinh viên tham gia thực hiện nghiên cứu tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp xây dựng khẩu phần thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh được lên men.
Và lĩnh vực rất được quan tâm nghiên cứu là khám và điều trị bệnh trên thú cưng. Tại các phòng khám thú y, dưới sự hướng dẫn bởi các bác sĩ thú y giàu kinh nghiệm chuyên môn, sinh viên sẽ được thực hành khám, đánh giá tình trạng sức khỏe, thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán, xét nghiệm, chẩn đoán đúng bệnh và điều trị bệnh hiệu quả cho thú cưng.
Sinh viên thực tập nghề nghiệp về chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh trên thú cưng.
Ngoài ra, khi đến với ngành chăn nuôi, sinh viên sẽ được tham gia nhiều vào trải nghiệm thực hành tại các trang trại, trung tâm nghiên cứu và các cơ sở chăn nuôi thực tế. Trải nghiệm thực tế giúp sinh viên hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất, quản lý trang trại và các thách thức thực tế mà người chăn nuôi phải đối mặt. Từ đó cũng giúp sinh viên trang bị và phát triển các kỹ năng mềm phù hợp cho sự phát triển của nghề nghiệp tương lai.
Đến với ngành Chăn nuôi tại trường Đại học Tiền Giang, sinh viên sẽ được học tập trong một môi trường năng động, nhiệt huyết, được tạo điều kiện tốt nhất về nghiên cứu khoa học và trải nghiệm, giúp sinh viên được phát triển toàn diện. Sau khi ra trường sẽ trở thành những chuyên gia có năng lực và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.
Ths. Phùng Thị Thuý Liễu