.:Trường Đại học Tiền Giang:. 

Chia sẻ

Em Đoàn Thị Đông Kiều say mê nghiên cứu đề tài: Ảnh hưởng của nền đáy khác nhau đến khả năng sinh trưởng của quần thể trùn chỉ (Tubificidae)

05-05-2017

Vừa qua, chúng tôi được Ths. Võ Minh Quế Châu giới thiệu tham quan mô hình về đề tài nghiên cứu khoa học: "Ảnh hưởng của nền đáy khác nhau đến khả năng sinh trưởng của quần thể trùn chỉ (Tubificidae)" của em Đoàn Thị Đông Kiều (Lớp Đại học Nuôi trồng Thủy sản 13, Khoa nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm).

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Em Đoàn Thị Đông Kiều và mô hình của đề tài nghiên cứu khoa học

Được biết, em Đoàn Thị Đông Kiều sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại ấp Tân Phú, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông. Em là một trong những sinh viên tiêu biểu của lớp, của Khoa. Học lực gần nhất của em là 3.26 và điểm rèn luyện: 81.

Em Đông Kiều cho chúng tôi biết: Trùn chỉ thuộc họ Tubificidae là một trong những loài giun ít tơ. Phân bố tự nhiên ở khu vực rãnh nước thải, lưu vực trung và hạ lưu sông, nơi có nền đáy bùn, không bị ảnh hưởng bởi nước mặn, sử dụng các chất hữu cơ lắng đọng làm thức ăn. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc phân hủy hợp chất hữu cơ, được sử dụng rộng rãi như là một chỉ số sinh học nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm hữu cơ trong môi trường nước.

Trùn chỉ được xem là một nguồn thực phẩm quan trọng cho ấu trùng thủy sản và mức độ tiêu hóa trùn chỉ của cá nhân hơn so với thức ăn công nghiệp. Trùn chỉ là thức ăn ưa thích của cá lăng nha Mystus wyckioides giai đoạn 3 - 15 ngày tuổi. Theo nghiên cứu của Sulmartiwi và cộng sự cho thấy hàm lượng dinh dưỡng có trong trùn chỉ gồm: Protein (57%), chất béo (13,3%), chất xơ thô (2,04%), hàm lượng tro (3,6%), nước (87,7%) và sắc tố carotenoid có khả năng cải thiện màu sắc cho cá cảnh nên trùn chỉ là một loại thức ăn ưa thích được dùng để nuôi cá cảnh có giá trị kinh tế cao như: Cá rồng, cá dĩa, cá la hán, cá ông tiên,…

Nguồn trùn chỉ cung cấp trên thị trường chủ yếu thu từ tự nhiên nên chúng thường mang nhiều mầm bệnh, không kiểm soát được chất lượng, chúng có thể là ký chủ trung gian gây một số bệnh cho cá cảnh và cá giống. Vì vậy, việc nuôi sinh khối loài trùn chỉ là vấn đề quan trọng trong việc chủ động nguồn thức ăn tươi sống sạch mầm bệnh nhằm mở rộng quy mô nuôi, sản xuất giống cũng như phát triển ngành nuôi trồng thủy sản.

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Mô hình "Ảnh hưởng của nền đáy khác nhau đến khả năng sinh trưởng của quần thể trùn chỉ"

Ths. Võ Minh Quế Châu (Giảng viên hướng dẫn Đông Kiều) chia sẻ thêm: Tôi rất ủng hộ em Đông Kiều thực hiện đề tài: "Ảnh hưởng của nền đáy khác nhau đến khả năng sinh trưởng của quần thể trùn chỉ (Tubificidae)". Đề tài được thực hiện nhằm xác định được loại nền đáy tối ưu cho trùn chỉ, từ đó áp dụng vào nuôi sinh khối trùn chỉ trong điều kiện nhân tạo. Nội dung nghiên cứu của đề tài bao gồm: Đánh giá các chỉ tiêu môi trường nước của khay nuôi và đánh giá ảnh hưởng của các loại nền đáy đến khả năng sinh trưởng của trùn chỉ. Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 11 năm 2016 đến tháng 6 năm 2017 tại Trại thực nghiệm bộ môn Nuôi trồng thủy sản của nhà trường.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình thực hiện đề tài, em Đông Kiều cho biết: Trong quá trình thực hiện đề tài em đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật (từ khâu chuẩn bị, bố trí thí nghiệm, xử lý số liệu,…). Ngoài những kiến thức chuyên ngành đã được học trên lớp, em thường tìm những tài liệu, bài báo khoa học có liên quan đến đề tài nghiên cứu của mình, liên quan đến chuyên ngành nuôi trồng thủy sản để cập nhật những thông tin mới. Đọc thêm sách tiếng anh chuyên ngành, học hỏi bạn bè, thầy cô để trao dồi kiến thức cho bản thân, từ đó áp dụng những gì đã học vào thực tế.

VĨNH SƠN